Để bắt đầu tìm hiểu về trà, trước hết chúng ta cần tìm hiểu có bao nhiêu loại trà. Hiện nay có quá nhiều cách phân loại khác nhau cùng hàng ngàn phẩm trà. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy chuẩn thống nhất trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Bài viết này sẽ chia sẻ về một số cách phân loại trà để giúp những người mới tìm hiểu định hình các nhóm, dòng trà.
Mục Lục
Một số cách phân loại trà phổ biến:
- Phân trà thành 2 loại chính: trà không lên men (oxydation) và trà có lên men (oxydation – fermentation).
- Phân trà thành 4 loại: Bạch trà, Lục trà, Hồng trà, Hoàng trà.
- Phân trà thành 6 loại: Đây là cách phân loại mà các nhà sản suất trà hay sử dụng. Bao gồm 4 loại trên, cùng với Oolong, Phổ Nhĩ.
- Ngoài ra còn cách khác đó là chia thành 8 cách: giống như 6 loại trên, nhưng cộng thêm Hắc trà và Trà mix (trà phối trộn).
Tất nhiên, ở phương diện người tiêu dùng, chúng ta không cần phải đi sâu vào việc đánh giá đâu là cách phân loại chính xác nhất. Điều quan trọng là nắm được tính chất cơ bản một số dòng trà phổ biến nhất để khi có dịp gặp một phẩm trà mới, ta có thể đoán định đó là loại trà gì, có những đặc điểm chính ra sao, từ đó giúp ích cho chúng ta trong việc lựa chọn phẩm trà phù hợp. Chúng ta cũng có thể dựa vào nhãn mác trên sản phẩm để có các thông tin cơ bản như tên dòng trà, tên địa danh, năm thu hái, năm sản xuất…
Các loại trà phổ biến
1. Bạch trà:
Phương pháp sản xuất:
Chỉ dùng nắng và gió. Từ khi thu hái búp trà về, chỉ dùng nắng và gió để làm khô, không hề có tác động vật lý nào từ bên ngoài, hoàn toàn tự nhiên. Có một số nhà sản xuất vẫn sấy khô ở công đoạn cuối cùng để đảm bảo giảm độ ẩm trong búp trà, không bị ẩm mốc trong quá trình sử dụng.
Nguyên liệu: nhiều người hiện nay khi nghe nói đến Bạch trà thường sẽ liên tưởng đến các phẩm trà màu trắng, chỉ có phần búp non. Nhưng thực ra Bạch trà cũng có loại một búp và một lá liền kề hoặc một búp 2 lá liền kề.
Đặc điểm bạch trà khi thưởng thức
Màu nước, hương vị: khi pha, Bạch trà sẽ có màu nước rất trong, hương vị trà rất thanh, nhẹ và thơm.
Có tác dụng thanh lọc và thải độc nhẹ. Không gây kích thích, mất ngủ. Tuy nhiên đây là loại trà có hương vị rất thanh, nhẹ, khá kén người thưởng thức.
2. Lục trà – trà xanh
Việt Nam là một trong những thị trường có khối lượng tiêu thụ lục trà tương đối cao. Nhiều nhà sản xuất trong nước có khoảng 60% doanh số đến từ lục trà.
Phương pháp sản xuất
Trà hái về được làm héo để làm mềm búp trà, sau đó sào (để ngừng lại quá trình oxy hóa) trên chảo hoặc tôn quay, vò để làm dập tế bào trong búp trà và sấy khô. Có thể nói đây là một trong những loại trà sản xuất dễ nhất, từ lúc thu hái đến khi có thành phẩm chỉ trong vòng 1 ngày nên độ tươi mới của trà luôn được đảm bảo.
Nguyên liệu: tiêu chuẩn của lục trà thường là 1 búp 1 lá, hoặc 1 búp 2 lá, nhưng cũng có thể có trường hợp 1 búp 3 lá, 4 lá hoặc chỉ có 1 búp trên cùng như trà đinh – Thái Nguyên
Đặc điểm lục trà khi thưởng thức
Màu nước, hương vị: khi pha lục trà thì trà sẽ có màu vàng xanh đặc trưng, luôn có hương vị tươi mới. Lục trà thường có mùi hoa, mùi lá cây, mùi cốm… nhưng luôn phải có độ tươi. Người Việt chuộng lục trà bởi chúng có vị chát, đắng nhẹ ngay khi vừa nếm ở đầu lưỡi, nhưng sẽ có hậu vị ngọt kéo dài. Tính chất của lục trà luôn là giữ được sự tươi mới, tùy vào gu thưởng trà ở từng nơi trên thế giới mà lá trà được biến tấu sao cho phù hợp với người dân bản địa. Ví dụ lục trà ở Trung Quốc, Nhật Bản vẫn giữ được độ tươi mới nhưng chúng thường phải trải qua quá trình hấp, điều này đã làm giảm đi độ chát, đắng.
Tùy vào cơ địa cũng như sức khỏe của từng người, nên tiêu thụ lục trà một cách hợp lý. Loại trà này có công dụng giải nhiệt, vì vậy người có cơ địa nóng uống lục trà sẽ rất tốt cho cơ thể, nhưng một số người có cơ địa hàn lại không phù hợp với lục trà.
3. Hồng Trà
Hồng trà đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là qua các sản phẩm như trà sữa, trà phối trộn. Sự hấp dẫn của hồng trà chủ yếu nằm ở hương thơm hợp với giới trẻ ngày nay.
Phương pháp sản xuất
Có 2 cách sản xuất Hồng trà.
- Thứ nhất là CTC (cắt, nghiền, se viên) dạng đóng túi hoặc vụn như trà Lipton, đây là phương pháp sản xuất áp dụng cho dòng trà phổ thông, chất lượng trung bình thấp.
- Thứ hai là orthodox – nguyên lá, nguyên búp, đây là phương pháp sản xuất dành cho dòng trà đặc sản, cao cấp. Với phương pháp nguyên lá, lá trà sau khi được làm héo sẽ trải qua quá trình oxi hóa bằng nhiệt độ và độ ẩm và quá trình vò để làm dập lá, kích thích quá trình oxi hóa. Chính quá trình này đã tạo nên hương vị đặc trưng của Hồng trà.
Hồng trà có mức độ oxi hóa khá cao, từ 60% cho đến 100%. Hồng trà oxi hóa 100 % người ta gọi là Hắc Trà (trà đen), loại trà này thường được ưa dùng ở các nước phương Tây.
Đặc điểm của Hồng trà khi thưởng thức
Màu nước, hương vị: Dải mùi của Hồng trà rất phong phú, như mùi hoa quả chín, mùi cacao, mùi hạt rang. Thậm chí cả khi chưa pha với sữa, ta vẫn có thể cảm nhận được bị ngậy béo từ quá trình đường chuyển hóa. Hồng trà sẽ có dải màu từ hồng nhạt, đỏ hổ phách cho đến màu cánh gián.
Ở phương Tây, nhiều người thường uống một cốc hồng trà pha với sữa vào buổi sáng cũng đủ năng lượng cho buổi sáng, ngoài ra vào mùa lạnh, uống một cốc hồng trà có thể giúp cơ thể ấm lên. Cần lưu ý hàm lượng cafein trong Hồng trà khá cao, người nhạy cảm nên tránh uống vào buổi tối để tránh mất ngủ.
4. Trà Oolong
Trà Oolong được sản xuất từ giống trà do người Đài Loan lai tạo. Cây trà tương tự như cây trà trung du ở Việt Nam nhưng lá dày hơn, mang mùi hương rất riêng biệt. Được mọi người chuộng vì vừa được hương lại vừa được vị, trước đây trên thị trường hầu như chỉ có Oolong xanh – có mức độ oxi hóa khoảng 10-20%. Gần đây khi Hồng trà trở nên phổ biến thì đã có thêm các loại như Oolong đỏ, hồng trà Oolong, mức độ oxi hóa khoảng 60-80%. Loại trà này cũng đã được thị trường tiếp nhận rất tích cực.
Phương pháp sản xuất
Búp trà olong sau khi thu hái sẽ được làm héo nắng và héo mát để giảm nước trong búp trà, sau đó trải qua quá trình lắc trong lồng tre để tạo hương, sào để ngưng quá trình chuyển hóa của enzym trong búp trà, sau đó ủ và vò tạo hình và sấy khô. Tùy theo mức độ oxy hóa tạo thành olong xanh hoặc olong đỏ (hồng trà olong). Quá trình tạo hình của olong cần tiến hành rất nhiều lần để búp trà gồm búp và 3-4 lá liền kề và cuộng trà có thể viên tròn mà không bị dập gãy. Nên trà sau khi sào cần phải được ủ nguội để làm mềm búp để cánh trà không bị dập gãy.
Đặc điểm của trà Olong khi pha
Màu nước, hương vị: Đối với nhiều người, ấn tượng đầu tiên về Oolong là mùi hương rất đặc trưng và dễ chịu kể cả là Oolong xanh hay Oolong đỏ, sau khi uống mùi hương vẫn vương vất mãi. Khi pha thì Oolong xanh sẽ có màu vàng xanh như lục trà và sẽ có hương hoa ngọt, còn Oolong đỏ sẽ có màu hổ phách giống như hồng trà và rất trong. Đây là dòng trà được hầu hết mọi người ưa chuộng.
5. Trà phổ nhĩ
Tên gọi Trà Phổ Nhĩ bắt nguồn từ vùng Phổ Nhĩ, Vân Nam, Trung Quốc. Ngày nay có rất nhiều nơi áp dụng phương pháp sản xuất trà Phổ Nhĩ cho vùng nguyên liệu có cây trà Shan tuyết cổ thụ.Có 2 loại là trà phổ nhĩ sống và trà phổ nhĩ chín, ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác như trà phơi, trà sống, trà chín. Dù có cả loại rời nhưng tạo hình phổ biến là trà bánh. 90% các loại trà bánh trên thị trường là trà phổ nhĩ. Bánh trà có trọng lượng quy chuẩn là 357 gram, có thể làm từ nhiều loại trà rừng khác nhau tùy vùng, với phương pháp sản xuất đặc biệt.
Trà phổ nhĩ sống
Trà sống có mùi hơi giống với lục trà, nước có màu vàng sáng, sắc vàng hơn so với các loại Oolong xanh. Khi uống sẽ giữ được vị đắng chát như lục trà nhưng mượt hơn, không mạnh như lục trà. Trà sống cũng không có vị tươi mới như lục trà mà sẽ đầm, đậm vị hơn. Trà sống sẽ tiếp tục chuyển hóa theo thời gian, vị và hương trà cũng sẽ theo đó mà có sự thay đổi, ngày càng đầm và đượm hơn.
Trà phổ nhĩ chín
Trà chín khi pha ra là sẽ có màu rượu vang đậm, gần như màu đỏ đen. Một số quan điểm xếp phổ nhĩ chín vào hắc trà vì nước có màu sắc đậm như vậy. Nước trà chín hoàn toàn không có vị đắng chát, mà chỉ có vị ngọt, vị gỗ, đất…. Bánh trà cũng có mùi hương như vậy, có cảm giác như mùi ẩm mốc, mùi cũ kỹ của thời gian. Nhìn bánh trà bằng mắt thường thì khá khó để phân biệt trà sống để lâu năm và trà chín, nhưng pha ra sẽ thấy ngay sự khác biệt.
Trà chín thường được coi là dược trà, vì nó có qua trình oxi hóa và có quá trình lên men (ủ đống). Quy trình sản xuất này biến lá trà thành giá thể để các vi sinh vật hoạt động. Do đó trong trà chín sẽ có lợi khuẩn tốt cho cơ thể. Ngoài ra trà chín còn có tác dụng thanh lọc gan, thận.
Để thưởng thức độ chuyển hóa qua thời gian thì trà sống sẽ rõ ràng. Hương vị trà chín có sự ổn định qua thời gian, mặc dù có sự biến đổi nhưng nếu không tinh sẽ khó có thể nhận ra.
6. Trà phối trộn
Với đặc tính hút hương, hút ẩm, trà thường được dùng để phối hợp với các nguyên liệu khác để mang lại hương vị mới mẻ, độc đáo. Có thể kể đến trà ướp hoa, trà phối hợp với các dược liệu như gừng, quế, trần bì… Chúng tôi sẽ có một bài viết riêng cho loại trà này.
Trên đây là những thông tin cơ bản về một số loại trà phổ biến nhằm giúp những người mới tìm hiểu về trà định hình được các nhóm trà chính. Chúc các bạn chọn được cho mình được loại trà hợp khẩu vị và thể trạng!
Nội dung bài viết được chuyển thể từ podcast của “Nhẩn Nha Với Trà” được phát sóng hàng tuần trên Youtube, Spotify và SoundCloud:
Youtube: https://youtu.be/1G6GG9JYW-Y?si=H65NU0V9xV7kcKCl
Spotify: https://open.spotify.com/episode/1twBqRNdxO3ecRWr93cekN?si=7lUaXK2WS72WWshMXpa1Zw
Soundcloud: https://soundcloud.com/nhan-nha-voi-tra/tongquanvecaytrae01
Các bạn có thể tham gia đóng góp cho “Nhẩn Nha Với Trà” tại group: https://www.facebook.com/groups/nhannhavoitra/