Chuyển tới nội dung

Trà Phổ Nhĩ – Puerh Tea – Pu’er Tea

Trà Phổ Nhĩ tên nguyên gốc là Pu’er Tea – 普洱茶 là tên gọi của trà được sản xuất theo phương pháp của người Vân Nam – Trung Quốc. Với phương pháp sản xuất này, lá trà sau khi thu hái sẽ được trải qua quá trình chế biến để trà được lên men tạo ra hương vị đặc trưng của trà. Trong bài viết này tôi mong có thể đưa ra được cái nhìn tổng quan nhất về trà Phổ Nhĩ để mọi người tìm hiểu.

Vùng Nguyên liệu trà

 Hình ảnh phần giữ chỗ

Cây trà được sử dụng phổ biến để làm trà phổ nhĩ là cây trà Shan tuyết cổ thụ – lá trà to, dày với nội chất trà tốt, được sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên trên vùng núi có độ cao so với mực nước biển từ 1000m trở lên. 

Tại Việt Nam, vùng núi phía Tây Bắc của Việt Nam có rất nhiều rừng trà cổ thụ mọc rải rác dọc dãy Hoàng Liên Sơn và Tây Côn Lĩnh. Những cây trà Shan Tuyết ở đây sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên, có những cây trà hàng trăm năm tuổi. Shan là nũi, Tuyết là do khi sinh trưởng trong điều kiện lạnh, chồi non được bao phủ bởi một lớp lông mao trắng như tuyết nên tên gọi là cây chè Shan Tuyết vì thế.

Trong số các rừng trà thì vùng Cao Bồ – Vị Xuyên – Hà Giang có thổ nhưỡng, khí hậu khiến cho cây trà vùng này có hàm lượng đường glucozo cao hơn hẳn so với các vùng khác. Chính vì thế cây trà ở đây khi sản xuất trà Phổ Nhĩ cho chất lượng tốt, hương vị đặc trưng sau khi lên men.

Đây cũng là vùng trà nguyên liệu được chứng nhận vùng trà hữu cơ của IFOAM – Organics International là Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ. Hằng năm thì Ifoam sẽ có đoàn kiểm tra về để kiểm tra vùng trà nguyên liệu cũng như cây nông nghiệp vùng ven trước khi cấp chứng nhận cho vùng nguyên liệu.

Các loại trà Phổ Nhĩ

Có hai phương pháp chế biến trà Phổ Nhĩ khác nhau tạo thành hai loại trà Phổ Nhĩ: 

  • Trà Phỗ Nhĩ Sống – Raw Puerh tea
  • Trà Phổ Nhĩ chín – Ripe Puerh tea

Trà Phổ Nhĩ sống là trà để quá trình được lên men một cách tự nhiên trong điều kiện bảo quản bình thường. Trà Phổ nhĩ chín là trà đã được lên men bằng cách ủ trong môi trường ẩm để tạo điều kiện cho nấm và vi sinh vật phát triển nhanh hơn trong thời gian khoảng từ 45-60 ngày. Quá trình này được theo dõi một cách rất chặt chẽ để đảm bảo chất lượng trà thành phẩm. Hương vị Trà Phổ Nhĩ sống thay đổi một cách rõ rệt theo thời gian còn trà Phổ Nhĩ chín thì tốc độ hương vị thay đổi ít hơn so với Phổ Nhĩ sống. Trà Phổ Nhĩ sống có thể bảo quản vài chục năm hoặc lâu hơn nữa nhưng trà Phổ Nhĩ chín thì chỉ nên uống trong khoảng 10-20 năm trở lại.

Sự khác biệt của Trà Phổ Nhĩ 

Do đặc trưng của trà Phổ Nhĩ là trà được lên men để vi sinh vật và nấm có thể phát triển tạo nên hương vị đặc trưng của trà nên trà để làm trà nguyên liệu để làm trà Phổ Nhĩ chắc chắn phải là trà sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên và không bị ảnh hưởng bởi hoá chất cũng như tác động của con người.

Chất lượng của trà Phổ Nhĩ được đánh giá thông qua thành phẩm của trà, chất lượng của hương vị trà khi pha và bã trà. Mặc dù đôi khi phụ thuộc vào sở thích của mỗi người nhưng có một số tiêu chí chung để đánh giá chất lượng trà: 

  • Thành phẩm trà – bánh trà: không được lẫn các tạp chất hoặc đốm trắng (mốc) trên bánh trà. Tốt nhất là lá trà phải còn nguyên, có thể nhìn rõ ràng bằng mắt thường. Các cánh trà có thể khô và dễ dàng bẻ gãy nhưng không được bị mủn. Bánh trà có mùi thơm.
  • Màu nước khi pha trà phải trong – màu hổ phách (có thể là đỏ hổ phách hoặc vàng hổ phách tuỳ thuộc vào loại trà), không được vẩn đục. Trà Phổ Nhĩ sống lâu năm hoặc trà Phổ Nhĩ chín sẽ có màu như rượu vang đỏ, hoặc màu của một quả táo tàu chín – đỏ hổ phách. Và dù trà nào thì cũng không được vẩn đục, có màu như màu “bùn” hoặc đen. 
  • Hương vị của trà Phổ Nhĩ là sự quyện từ lúc thử hương cho đến khi uống hết ngụm trà. Trà Phổ Nhĩ sống ít tuổi sẽ có mùi hương qua, một chút quả chín, một chút thảo mộc, long não nhẹ. Trà Phổ Nhĩ chín hoặc trà Phổ Nhĩ sống lâu năm sẽ có hương gỗ rõ rệt hơn, có mùi nấm gỗ nhưng không gây khó chịu mà đem lại cảm giác thú vị cho người thưởng trà. Giống như rượu vang lâu năm, trà Phổ Nhĩ lâu năm sẽ có hương vị vô cùng phong phú, dày vị trong khoang miệng, không có vị chua mà khi nuốt nước bọt sẽ có một cảm giác ngọt nhẹ. Những hương vị phong phú này tạo nên giá trị của bánh trà Phổ Nhĩ
  • Bã trà sau khi pha sẽ nhìn thấy rõ búp và lá, không nên lẫn cành và quả trong bánh trà. Lá trà ở bã trà không được vò nát kể cả trường hợp có bị gãy nhưng không được dập nát.

Hướng dẫn pha trà Phổ Nhĩ 

Trà đóng bánh sẽ cần sử dụng dụng cụ tách trà để tách thành miếng nhỏ. Khi tách thì bạn nên tách ngang bánh trà chứ không nên tách dọc từ trên xuống.

Trà sau khi tách sẽ được tráng qua bằng nước sôi để đánh thức trà.

Trà Phổ Nhĩ thường được pha ở nhiệt độ 95 độ C. Tuy nhiên, để tìm được nhiệt độ pha phù hợp với khẩu vị của từng người, chúng mình đề nghị bạn thử pha ở 2 mức nhiệt 90 và 95 độ để lựa chọn ra mức nhiệt phù hợp với khẩu vị của mình. 

Thưởng thức trà cho đến khi bạn cảm thấy nhạt vị. 

Hướng dẫn bảo quản trà Phổ Nhĩ

Trà Phổ nhĩ càng để lâu càng có dược tính cao nên không có hạn sử dụng, vì vậy trên bao bì chỉ có năm sản xuất trà.

Trà được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ thường, khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng mặt trời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.