Chuyển tới nội dung

Ấm trà Việt – Một vài điều thú vị

Với người uống trà thì ấm pha là dụng cụ thiết yếu. Khi đã hiểu trà thì dần dần người ta cũng đâm ra hiểu hơn về ấm pha và sẽ ngày một có yêu cầu cao hơn về ấm. Trong bài viết này, Tiệm Trà Quý sẽ chia sẻ với bạn đọc một vài nét cơ bản để giúp bạn bước đầu tìm hiểu và chọn được cho mình chiếc ấm ưng ý.

Trên thị trường hiện nay, các loại ấm pha trà vô cùng đa dạng, phong phú cả về kiểu dáng và chất liệu. Trong đó, phổ biến hơn cả là các loại ấm làm từ đất: gốm, sứ, sành, tử sa, bizen… Bài viết này tập trung vào loại ấm đó.

Chất liệu làm ấm trà – Phâm biệt gốm, sành, sứ, đồ đất nung

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thế về các dòng sản phẩm làm từ đất nung. Ở Việt Nam hiện nay, từ “đồ gốm” được dùng để chỉ chung các vật dụng dạng đất nung, sành, sứ.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có tài liệu chính thức nào phân biệt ba loại này. Tiệm Trà Quý đã dành thời gian tìm hiểu, tham vấn ý kiến của các anh chị trong ngành và tổng kết nên một số những đặc điểm phân loại chính để chia sẻ cùng bạn đọc.

Phân biệt gốm, sành, sứ, đất nung

Phân biệt về mặt kỹ thuật

Dựa trên kỹ thuật sản xuất, chủ yếu là chất đất và nhiệt độ nung để phân biệt các chất liệu khác nhau:

  • Đồ đất nung: đồ dùng làm từ cốt đất sét, tạo hình theo mong muốn rồi đem nung. Thường là nung ở nhiệt tương đối thấp, chỉ khoảng trên 600 độ C. Loại này không thể làm ấm.
  • Đồ sành (stoneware): làm từ đất sét tự nhiên, lẫn phù sa, chứa nhiều thành phần khoáng… Đồ sành ở Việt Nam chưa được định nghĩa rõ. Một số ý kiến của người làm nghề cho rằng sành là đồ đất nung được nung ở nhiệt độ rất cao, đến mức các khoáng chất chảy ra, tạo thành một lớp men tự nhiên bao bên ngoài sản phẩm. Ngoài ra đồ sành còn có thể có một lớp men mà trong giới hay gọi là men tro, men củi. Đây là thứ men tạo thành do bụi tro trong lò rơi xuống, chảy ra trên bề mặt các dụng cụ, tạo thành những hình dáng, màu sắc độc đáo. 
  • Đồ sứ: vẫn là cốt đất và trong cốt đó là cao lanh (đất sét trắng). Sau đó đồ làm ra sẽ được tráng một lớp men rồi đem đi nung. Theo những gì Tiệm Trà Quý tìm hiểu được thì nhiệt độ nung phải ở tầm 1200 độ C trở lên mới được coi là đồ sứ “sạch”. Đồ sứ nung ở nhiệt thấp hơn (dễ làm hơn, ít nguy cơ nứt vỡ trong lúc nung), thì không nên dùng làm đồ để đựng đồ ăn, đồ uống. Vì những sản phẩm này vẫn còn nhiều dư lượng các loại kim loại nặng có thể gây hại cho sức khỏe.

Phân biệt dựa trên cảm nhận bên ngoài

Khi đi lựa chọn đồ, không phải người bán hàng nào cũng có thể nói rõ cho bạn biết nhiệt độ nung cũng như chất đất để làm ra sản phẩm. Vậy nên bạn có thể dựa trên những đánh giá cảm quan để phân biệt:

  • Đất nung: Thô ráp, thường có màu nâu vàng, thể hiện rõ tính chất và màu của đất. Độ xốp cao, thoáng, tính hút ẩm mạnh, cho nên phù hợp để đựng đồ khô, vật trang trí, gạch, lõi lọc…. Không nên dùng để pha trà hoặc đựng trà khô vì sẽ hút mất hương của trà, đồng thời có nguy cơ khiến trà bị nhiễm ẩm.  
  • Đồ sành: Màu sẫm hơn, bóng hơn. Có thể có lớp men bóng tự nhiên hình thành trong quá trình nung. Đồ sành nung bằng gas thường có màu sắc đồng bộ, độ bóng nhẹ. Đồ sành nung bằng lò củi thì độ bóng cao hơn, lớp men bao ngoài có thể có hoa văn rất độc đáo. Cho nên loại trà cụ này thường có vẻ ngoài rất độc nhất vô nhị, không thể có 2 chiếc giống hệt nhau. Loại chất liệu này vẫn còn lỗ khí khổng nhưng nhỏ hơn, do đó, vẫn có khả năng lưu hương. Vì thế nếu lựa chọn ấm sành, mỗi loại trà nên dùng một ấm riêng để không bị lẫn hương vị.
  • Đồ sứ: men tráng bóng, hoàn toàn không còn lỗ khí khổng. Các loại trà pha bằng sứ không lưu hương nên có thể pha nhiều loại trà bao gồm cả trà ướp hương, hồng trà, lục trà,…. Người mới uống trà nên sử dụng loại ấm này, chỉ cần lưu ý rửa sạch, lau khô mỗi khi sử dụng.

Có thể coi ấm tử sa là sành không?

Điều này hiện tại rất khó khẳng định vì chưa có một tiêu chí cụ thể nào. Có thể có những loại nung chưa đến nhiệt độ an toàn (theo Tiệm Trà Quý tìm hiểu thì phải từ 1200 độ C trở lên mới được coi là an toàn). Do đó nếu đặt câu hỏi chung chung như ấm tử sa của Trung Quốc có đủ an toàn để pha trà không thì rất khó trả lời bởi vì chưa biết cốt đất (bài đất) là gì, nhiệt độ nung ra sao… Cách chắc chắn duy nhất là đem đi kiểm định.

Các vùng gốm và thương hiệu ấm trà Việt

Nhìn chung ở miền Bắc, đặc biệt là quanh khu vực Bát Tràng, như Bắc Ninh, Hưng Yên, rồi xuôi xuống Ninh Bình, Hà Nam… là một vùng lòng chảo châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất cổ, có những nơi chỉ đào xuống mấy mét là đã có được loại đất rất tốt, nhiều khoáng. Vì thế ở miền Bắc có rất nhiều nơi làm gốm. Có thể điểm ra một số nơi có làng nghề gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Hiên Vân, Phù Lãng, Chu Đậu, Quế Quyển, Quyết Thành… Ở các làng nghề nay hiện đã lác đác có những nghệ nhân tìm tòi làm trà cụ. Tuy chưa phát triển mạnh và có độ phủ rộng trên thị trường, nhưng họ đều là những nghệ nhân tài hoa và đầy tâm huyết.

Dịch vào phía Nam thì có gốm Phước Tích (Huế), chất đất khá đanh, nhưng kiểu dáng, mẫu mã và các loại sản phẩm chưa phong phú, chủ yếu là các loại bình hoa. Số người làm trà cụ đã bắt đầu xuất hiện nhưng chưa có thương hiệu nào nổi bật lên.

Ấm chén truyền thống của Việt Nam đều tương đối to, phục vụ cho lối uống lục trà hãm quen thuộc của người Việt. Loại ấm chén này rất phổ biến ở các làng gốm, đặc biệt là Bát Tràng. Ngoài ra, loại ấm đặc trưng nhất của Việt Nam có lẽ là ấm tích, hãm trà tươi, đặt trong giành tích để giữ ấm. 

Dù nghề gốm đã có từ lâu đời, nhưng trong lĩnh vực trà cụ thì Việt Nam lại đi sau nhiều so với các cường quốc trà như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Thực ra trong lịch sử, uống trà theo kiểu pha rót vẫn được coi là uống kiểu “trà Tàu”, giới học thức và quý tộc khá ưa chuộng. Vì thế nên từ xưa nước ta đã có hoạt động nhập đồ trà cụ từ Trung Quốc. Thậm chí thời nhà Nguyễn còn có một ban chuyên trách việc đặt đồ trà cụ cho vua. Trong Huế có “đồ ký kiểu” chính là đồ người ta sang Trung Quốc đặt làm riêng. Giới chơi đồ cổ rất săn lùng loại đồ dùng này. Hiện nay đang có một phong trào phục hưng lại những dáng ấm cổ như vậy. Đây cũng là một thú chơi hay. 

Mấy năm gần đây, về hoạt động làm ấm chén, ngoài những kiểu dáng phổ thông thì các anh chị làm nghề cũng mày mò học hỏi và phát triển các kiểu dáng ấm, chất liệu của Trung Quốc, Nhật Bản. Một số thương hiệu đã có những sản phẩm khá tốt cả về kiểu dáng lẫn chất lượng, có thể kể đếnnhư gốm Huân (Quyết Thành), An Thổ Túc, Vân Shan,… 

Một số kinh nghiệm lựa chọn mua ấm trà

Dựa trên chất liệu

  • Nhất định phải chọn đồ đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là với đồ pha rót. Cho nên nếu có thể nắm được nguồn gốc xuất xứ, người sản xuất,… thì yên tâm hơn nhiều. Các đồ trà cụ của Trung Quốc tuy vô cùng đẹp mắt, nhưng thượng vàng hạ cám đều có, vì vậy bạn chơi trà cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ lưỡng khi lựa chọn.
  • Với các loại ấm sành, khi lựa chọn có thể gõ vào thành ấm để đánh giá chất lượng. Nếu tiếng gõ đanh, vang thì tức là nhiệt nung khá cao. Còn tiếng trầm, cộp cộp thì là nhiệt độ thấp. 

Dựa trên dung tích

  • 1 đến 2 người uống thì chọn ấm 100 đến 120ml.
  • Dùng cho 4 đến 5 người thì chọn ấm khoảng 200ml đến 300ml. 
  • Không nên dùng ấm quá to trừ trong sự kiện đông người. Ấm khoảng 300ml sẽ là vừa tay, dễ kiểm soát lượng nước, nhiệt độ,..

Dựa trên kiểu dáng

  • Có một số dáng cơ bản: hình thang (trên nhỏ, dưới to), hình trụ (trên dưới bằng nhau), hình bầu (bụng ấm tròn, miệng thuôn lại). Hình dạng ấm trà ngoài thẩm mĩ thì còn tạo nên những hiệu ứng khác nhau của dòng nước khi rót vào. Ví dụ ấm cao khi rót nước vào sẽ tạo thành xoáy từ dưới lên giúp đảo trộn trà, ấm ngắn giữ dòng nước ổn định và nhiệt đồng đều…
  • Chọn miệng to hay miệng nhỏ tùy theo pha trà gì, ví dụ cánh trà to, lồng phồng thì nên dùng ấm miệng to.

Người chơi mới nên bắt đầu từ đồ sứ hoặc đồ thủy tinh vì có thể pha được nhiều loại trà. Sau khi đã hiểu kỹ về trà và gu cá nhân thì mới nên tìm mua loại ấm mình ưa thích.

Nội dung bài viết được chuyển thể từ podcast của “Nhẩn Nha Với Trà” được phát sóng 8h tối chủ nhật hàng tuần trên Youtube, Spotify:

Youtubehttps://www.youtube.com/@Nhannhavoitra

Spotifyhttps://open.spotify.com/show/2VKmEezwhFFJEqSoHFOtOx?si=c4f293deb1b74dc5

Các bạn có thể tham gia đóng góp cho “Nhẩn Nha Với Trà” tại group: https://www.facebook.com/groups/nhannhavoitra/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.