Khoảng hơn mười năm trở lại đây, người dân Việt Nam biết đến hồng trà nhiều hơn, có lẽ chủ yếu nhất là do sự bùng nổ của thị trường trà sữa. Tuy nhiên, xét trên quy mô toàn cầu thì hồng trà, hay theo cách gọi của phương Tây là trà đen (black tea), lại chiếm đến 70% sản lượng tiêu thụ. Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng Tiệm Trà Quý tìm hiểu những nét cơ bản về hồng trà.
Mục Lục
Hồng trà là trà gì?
Hồng trà là dòng trà có trải qua quá trình ủ lên men (oxydation) nên có mức độ lên men từ 60-80%
Qui trình sản xuất hồng trà
Về cơ bản, quy trình sản xuất hồng trà sẽ gồm các bước sau:
- Bước 1: Phơi héo
- Bước 2: Sao nhẹ (diệt men một phần)
- Bước 3: Vò
- Bước 4: Ủ 6- 10 tiếng
- Bước 5: Sấy khô
Cách sản xuất này cho phép lá trà chuyển hóa mạnh nhất là qua quá trình oxy hóa khi ủ. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ có độ chuyển hóa từ 60% trở lên, cao nhất là 100%. Ở trung quốc họ xếp dòng trà lên men 100% vào thành Hắc Trà.
Ở mỗi bước đều có những yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng. Ví dụ phơi héo đến độ nào, sao đến mức nào, vò với lực ra sao, ủ bao nhiêu thời gian với nhiệt độ bao nhiêu, sấy bằng nhiệt hay sấy lạnh… Tất cả những chi tiết này sẽ được các nhà sản xuất nghiên cứu và áp dụng sao cho phù hợp với vùng nguyên liệu, điều kiện khí hậu tại nơi sản xuất… Mỗi người sản xuất sẽ sáng tạo ra những bí kíp riêng ở từng bước để tạo ra hương vị đặc trưng của mình.
Như đã nói, hồng trà (trà đen) có khối lượng tiêu thụ cực lớn trên thế giới, đặc biệt là ở thị trường phương Tây. Đa phần trong đó là loại hồng trà (trà đen) đã chuyển hóa 100% và được sản xuất tự động hoàn toàn, còn gọi là trà đen CTC (crush, tear, curl – nghiền, xé, cuộn ). Thành phẩm chủ yếu của phương pháp sản xuất này là trà túi lọc. Ở Việt Nam, chúng ta cũng dễ dàng tiếp cận được với loại trà này qua các thương hiệu quen thuộc như Cozy, Lipton…
Nguyên liệu sản xuất hồng trà
Nguyên liệu lá trà nào cũng có thể áp dụng được kỹ thuật sản xuất nói trên. Mỗi sự lựa chọn nguyên liệu sẽ có một số đặc trưng riêng. Về cơ bản, ta có thể phân định qua hai tiêu chí sau:
Quy cách hái: búp non, một búp một lá, một búp hai lá trở lên, lá trà già…, tất cả đều có thể sử dụng để sản xuất hồng trà. Do cách sản xuất, những lá trưởng thành sẽ chuyển hóa nhiều nhất, tạo nên độ dày, đậm vị, dậy được lên mùi vị đường, ngậy đặc trưng của hồng trà. Từ đó tôn lên vị tươi mát của phần búp. Nếu chỉ có búp không thì có thể thơm nhưng lại ít vị ngọt. Tùy theo thị hiếu của từng nơi mà người ta lựa chọn loại nguyên liệu tương ứng.
Cách thức sinh trưởng: trà rừng và trà trồng đều cho nhiều phẩm hồng trà nổi tiếng.
Với nguyên liệu trà rừng, trà cổ thụ thì người ta thường sử dụng để sản xuất các loại hồng trà phẩm cấp cao, đặc sản.
Còn với trà trồng, phổ biến rộng khắp trên thế giới chính là các sản phẩm hồng trà CTC từ những vùng trồng trà như ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Đài Loan…
Ngoài ra, ở Trung Quốc, Đài Loan người ta vẫn sử dụng trà trồng để sản xuất theo phương pháp truyền thống và tạo nên các phẩm trà nổi tiếng. Như Đông Phương Mỹ Nhân,…
Hiện nay, ở Việt Nam cũng đã có nhiều người thử nghiệm việc sử dụng trà Thái Nguyên để sản xuất hồng trà và đã có những thành công bước đầu. Có thể nói, trà Thái Nguyên nếu thu hái không quá nhiều vụ trong một năm thì lá trà cũng có thể đủ phẩm chất để tạo nên phẩm hồng trà chất lượng.
Đặc trưng khi pha của hồng trà
- Hương thơm: hồng trà thường có hương thơm ngọt của trái cây chín, mùi đường cháy,
- Màu nước: tùy độ chuyển hóa và kỹ thuật sản xuất, hồng trà có thể có màu nước đỏ nhạt đến đỏ đun, thậm chí đỏ đậm gần như đen.
- Vị: Ngọt của đường, chua nhẹ, có độ ngậy béo.
Bảo quản hồng trà
Hồng trà cũng tương tự như các loại trà khác, tốt nhất nên đợi từ 1 đến 3 tháng kể từ ngày sản xuất rồi mang ra sử dụng.
Hồng trà phẩm cấp cao, nguyên liệu tốt, sản xuất đúng kỹ thuật, bảo quản phù hợp thì có thể lưu được 3 tới 5 năm. Nhất là với hồng trà còn khả năng chuyển hóa. Việc ghi hạn sử dụng ghi trên nhãn mác là theo quy định của các cơ quan quản lý, nên đôi khi bị hạn chế. Còn trên thực tế, nhiều loại trà có thể chuyển hóa sẽ giữ được chất lượng tốt trong thời gian rất dài.
Các phẩm hồng trà mà lá trà nội chất không nhiều, độ chuyển hóa 100% thì thời gian bảo quản sẽ ngắn hơn nhiều. Với loại này, tốt nhất là tuân theo khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất.
Pha chế và phối trộn Hồng Trà
Do đặc điểm mùi vị hấp dẫn nên hồng trà được ứng dụng rất nhiều trên thị trường đồ uống. Đặc trưng nhất có lẽ là hồng trà sữa và các loại hồng trà phối trộn.
- Hồng trà phối trộn: sử dụng hồng trà làm trà nền để tạo ra các loại đồ uống. Phối trộn với trái cây theo mùa để giải khát. Cách pha chế này rất phù hợp với mùa hè nóng nực. Còn vào mùa lạnh, phối hợp hồng trà với các loại dược liệu, gia vị như táo đỏ, mật ong, quế,… sẽ cho thứ đồ uống ấm áp, thanh lọc và tốt cho sức khỏe.
- Hồng trà sữa: vị ngậy, mùi thơm ngọt của hồng trà rất dễ quyện với sữa. Có lẽ vì vậy mà hồng trà sữa đã trở thành một mục không thể thiếu trong menu các quán trà sữa. Tùy thương hiệu mà người bán sử dụng hồng trà phẩm cấp cao hay trung bình để bán hàng. Và điều này cũng sẽ quyết định rất nhiều về giá bán của sản phẩm.
Mấy năm trở lại đây, việc tìm mua được hồng trà chất lượng cao ở Việt Nam đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. Các lựa chọn rất phong phú và mức giá cũng rất hợp lVới người tìm hiểu trà thì việc mày mò tự khám phá hương vị của hồng tra qua các cách phối trộn cũng sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị. Chúng ta vừa được thử nghiệm, vừa có được món giải khát tại nhà chất lượng, kinh tế.
Nội dung bài viết được chuyển thể từ podcast của “Nhẩn Nha Với Trà” được phát sóng 8h tối chủ nhật hàng tuần trên Youtube, Spotify:
Youtube: https://www.youtube.com/@Nhannhavoitra
Spotify: https://open.spotify.com/show/2VKmEezwhFFJEqSoHFOtOx?si=c4f293deb1b74dc5
Các bạn có thể tham gia đóng góp cho “Nhẩn Nha Với Trà” tại group: https://www.facebook.com/groups/nhannhavoitra/