Chuyển tới nội dung

Bạch trà – một vài điều cơ bản

1. Bạch trà là gì

Trên thị trường trà Việt Nam và thế giới hiện nay có khá nhiều loại bạch trà nổi tiếng. Có thể lấy ví dụ các phẩm bạch trà nổi tiếng của Trung Quốc như Bạch Hào Ngân Châm, Cống Mi, Thọ Mi, Mẫu Đơn…

Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thế nào là bạch trà. Hiện nay, ở Việt Nam, có một quan niệm phổ biến về bạch trà. Đó là chỉ coi loại trà được sản xuất từ búp trà non nhất trên ngọn (chưa nở thành lá). Quan niệm này cũng có phần hợp lý vì phẩm trà sản xuất ra có màu trắng của lớp lông mao bao ngoài búp. Nước trà pha ra cũng có màu trắng trong như nước suối.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào phương pháp sản xuất thì đây là một định nghĩa chưa đầy đủ. Trong bài viết này, TTQ sẽ giới thiệu một khái niệm rộng hơn về bạch trà, dựa trên phương pháp sản xuất. Theo đó, bạch trà là dòng trà được tạo ra hoàn toàn nhờ nắng, gió tự nhiên, không trải qua các tác động như vò, ủ, gia nhiệt… Nguyên liệu sản xuất bạch trà cũng đa dạng: búp non, búp tạo cành (móng rồng), ngọn một búp một lá, ngọn một búp hai lá trở lên, lá trà già… đều có thể dùng để sản xuất bạch trà.

Tại Việt Nam cũng có nhiều cơ sở sản xuất và giới thiệu bạch trà. Tuy nhiên, phương thức làm của họ có thể khác biệt với định nghĩa nói trên. Ở đây TTQ không phân định đúng sai mà chỉ cung cấp thêm một luồng thông tin để bạn đọc cùng tham khảo.

Bạch trà búp có lớp lông mao bao phủ

2. Các yếu tố cơ bản trong qui trình sản xuất bạch trà

Như đã nói, bạch trà được sản xuất hoàn toàn nhờ phơi nắng, gió tự nhiên. Do đó điều kiện khí hậu, thời tiết là yếu tố quyết định lớn nhất đối với sự thành bại của một mẻ bạch trà. Để sản xuất bạch trà thì cần lựa chọn những ngày không mưa, nắng nhẹ. Vì chỉ phơi để nắng và gió hong khô búp từ khi thu hái cho đến khi thành thành phẩm cho nên bạch trà cho nên nếu trời mưa thì trà sẽ bị ẩm mốc và nguy cơ hỏng trà là rất cao.

Vì hầu như không có tác động vật lý nào khác ngoài phơi nắng gió, bạch trà đòi hỏi rất nhiều sự tinh tế của người làm trà. Phải theo sát sự biến đổi của lá trà, điều chỉnh theo điều kiện thời tiết. Khi nào mang ra phơi, khi nào cất, khi nào đảo; phơi bao lâu, đặt ở vị trí nắng thế nào… Cho nên có thể nói tưởng chừng như bạch trà có phương pháp sản xuất đơn giản nhất, nhưng lại đòi hỏi tay nghề cao nhất đối với người làm trà. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến bạch trà có giá thành vào loại cao nhất trong các dòng trà phổ biến.

Với sự phát triển kỹ thuật ngày nay, một số xưởng sản xuất lớn cũng có một số máy móc, thiết bị hỗ trợ việc sản xuất bạch trà. Ví dụ như phòng lạnh để giảm độ ẩm nếu trong quá trình sản xuất mà vô tình gặp những ngày có độ ẩm quá cao; hoặc quạt, điều hòa để điều chỉnh nhiệt độ, không khí…

Bạch trà đóng bánh 1 búp 2 lá

3. Một số đặc điểm của bạch trà

Do đặc thù về kỹ thuật sản xuất, bạch trà giữ được gần như nguyên vẹn búp lá cùng các dưỡng chất bên trong. Các phẩm bạch trà luôn cho thứ nước trong, vị ngọt thanh, không hề có đắng, chát. Tùy nguyên liệu và tuổi trà mà bạch trà khi pha có hương vị và màu sắc khác nhau.

  • Bạch trà búp: Ở Việt Nam có hai loại búp trà là búp lá và búp cành. Bạch trà búp thường giữ nguyên được hình dạng và màu của búp trà. Khi pha cho màu nước trong vắt, vị ngọt thanh. Búp lá cho hương thơm nhẹ, thoảng mùi hoa cỏ tươi. Búp cành (móng rồng) có thể có mùi tinh dầu gỗ, loại cực phẩm còn có thể có mùi tinh dầu trầm. 
  • Bạch trà cả búp và lá: Khi mới sản xuất, trà khô thường có màu trắng, đen xen màu xanh. Khi pha cho nước trong, ánh, màu vàng nhạt; nước trà mùi hương hoa, lá tươi, ngọt; vị ngọt thanh, có thoảng chua nhẹ. Sau thời gian chuyển hóa, lá trà mất dần màu xanh mà chuyển sang nâu, đen; nước trà ngả dần sang hồng (đỏ) giống màu hồng trà; mùi cũng ngày càng giống mùi gỗ, mùi đất; vị ngọt đậm, sâu hơn.
Búp bạch trà có rất nhiều lớp lá bên trong.
Màu nước khi pha rất trong

Bạch trà sẽ chuyển hóa dần theo thời gian, càng để lâu càng tăng dược tính. Nên có quan điểm cho rằng, trà này mới sản xuất là trà, 3 năm là trà, 5 năm là thuốc, 7 năm là báu vật. Do đó bạch trà cũng thường được giới sành trà tích trữ, vừa để làm đồ uống tốt cho sức khỏe, vừa có thể tăng giá trị về lâu dài. Để tiện cất trữ, bạch trà cũng được đóng thành dạng bánh. Cách bảo quản bánh bạch trà cũng tương tự như bảo quản các loại trà dạng bánh khác. Các bạn có thể tham khảo thêm về cách bảo quản trà tại đây.

4. Vài lời khuyên khi thưởng thức bạch trà

Những người vốn quen uống các loại trà đậm vị, khi mới chuyển sang uống Bạch trà sẽ cảm thấy nhạt. Vì vậy, nếu đang làm quen với loại trà này, bạn nên thưởng thức nó trước khi uống các loại đồ uống đậm đà khác. Lý tưởng nhất là uống bạch trà lúc sáng sớm vừa ngủ dậy. 

Khi pha bạch trà nên sử dụng nhiệt thấp hơn các loại trà khác một chút, khoảng 80 độ C trở xuống, để trong thời gian 1 phút rưỡi đến 2 phút. Nên lắc nhẹ trong lúc pha để lá trà có sự va đập, đẩy nhanh quá trình tiết nội chất.

Ở những lần pha đầu, nội chất chưa được tiết ra nhiều do lá trà gần như còn nguyên trạng. Vì vậy, uống bạch trà cũng cần phải kiên nhẫn và pha nhiều lần nước. Đặc biệt, bạch trà móng rồng có cấu trúc nhiều lớp, cứng, chặt vì về sau sẽ phát triển lên thành cành, nội chất muốn thôi ra hết cần rất nhiều lần pha. Trà trầm (loại búp trà có mùi trầm tự nhiên, không phải loại ướp chung với trầm) có thể pha được hơn 20 nước mà vẫn giữ được hương vị.

Nội dung bài viết được chuyển thể từ podcast của “Nhẩn Nha Với Trà” được phát sóng hàng tuần trên Youtube, Spotify:

Youtubehttps://youtu.be/1G6GG9JYW-Y?si=H65NU0V9xV7kcKCl

Spotifyhttps://open.spotify.com/episode/1twBqRNdxO3ecRWr93cekN?si=7lUaXK2WS72WWshMXpa1Zw

Các bạn có thể tham gia đóng góp cho “Nhẩn Nha Với Trà” tại group: https://www.facebook.com/groups/nhannhavoitra/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.