Chuyển tới nội dung

Bảo quản trà đúng tiêu chuẩn

Đối với những người thích uống trà thì việc bảo quản trà là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Các loại trà khác nhau sẽ có một số yêu cầu đặc thù liên quan đến việc bảo quản. Tuy nhiên, có một quy tắc chung nhất, áp dụng cho tất cả và thường được các nhà sản xuất khuyến cáo. Đó là: “KHÔ RÁO, THOÁNG MÁT, TRÁNH ÁNH SÁNG TRỰC TIẾP”.

Nguyên tắc bảo quản trà nói chung

Hiểu rõ về nguyên tắc bảo quản trà: “Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp” không những sẽ giúp trà không bị giảm chất lượng mà đối với một số loại trà như trà Phổ Nhĩ, bạch trà, hoàng trà có môi trường để chuyển hóa tốt theo thời gian trở thành dược trà.

1. Nơi khô ráo

 Trà có tính hút ẩm rất mạnh. Khi gặp ẩm, trà sẽ hút ẩm nhả hương, làm mất đi hương thơm ban đầu của sản phẩm. Thêm nữa, lá trà bị ẩm sẽ dễ bị các loại vi khuẩn có hại xâm nhập, gây mốc, hỏng. Có thể nói ẩm thấp là kẻ thù số một và tác động nhanh nhất tới trà, vì vậy đây là yếu tố hàng đầu cần được kiểm soát. Đặc biệt đối với những vùng có khí hậu ẩm ướt.

Việt nam là đất nước nhiệt đới gió mùa, có mùa mưa bão, đặc biệt là ở miền Bắc có mùa nồm ẩm vì vậy độ ẩm trong không khí luôn ở mức cao trên 60%, có những ngày nồm độ ẩm lên tới 90-100% vậy nên cần đặc biệt lưu ý. Một số loại trà như trà Phổ Nhĩ ở trung quốc, nhà sản xuất có thể hướng dẫn khách hàng bảo quản ở phòng mà không cần bọc hay trữ trong chum/hũ, tuy nhiên ở Việt Nam thì không nên làm như vậy vì độ ẩm quá lớn. Vì vậy, yếu tố nơi khô ráo cần phải hiểu là độ ẩm trong không khí, môi trường bảo quản trà.

2. Thoáng mát

Trừ lục trà hầu như đã được diệt men hoàn toàn, các dòng trà khác đều vẫn còn một lượng enzyme nhất định và vẫn tiếp tục chuyển hóa sau khi được đóng gói. Vì thế, vẫn cần một môi trường đủ thoáng để tạo điều kiện cho trà “thở”. Làm được như thế thì sau một thời gian, emzym trong trà tiếp tục chuyển hóa nội chất của búp trà để tạo thành hương vị đậm đà hơn. Có một số loại trà có thể chuyển hóa thành dược trà.

3. Tránh ánh sáng trực tiếp.

Ánh sáng trực tiếp được hiểu là ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng từ các nguồn điện trực tiếp chiếu vào trà. Trong ánh sáng sẽ có tia UV, tia hồng ngoại khi chiếu vào trà làm biến đổi nội chất trà đồng thời sinh nhiệt làm hỏng hương vị trà.

Khi lá trà vừa thu hái, trong búp trà vẫn còn enzym và còn hoạt động trao đổi nội chất giữa các tế bào, nhà sản xuất có thể sử dụng ánh sáng mặt trời làm héo búp trà để tạo thành các hương vị riêng biệt. Tuy nhiên người sản xuất trà cũng phải kiểm soát thời gian tác động của ánh sáng – chỉ trong khoảng 30 phút hoặc 1 tiếng. Còn hầu hết quá trình sản xuất trà ở trong xưởng không có ánh nắng mặt trời. Điều này không thể áp dụng khi trà đã được hoàn thiện và cố định hương vị. Trà khi đã thành thành phẩm, cần bảo quản bằng bao bì tránh ánh sáng trực tiếp.

Bảo quản trà ở nơi sản xuất

Hiện nay, đa số các nhà sản xuất chuyên nghiệp đều đầu tư rất nhiều cho kho bảo quản. Kho đó rất chuyên biệt, đảm bảo một số yếu tố trong xây dựng như độ dày tường, độ thoáng,… Bên cạnh đó, họ cũng đầu tư hệ thống máy móc hỗ trợ để kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Thậm chí với một số sản phẩm trà đặc thù, nhà sản xuất còn phải có kho lạnh để bảo quản.

Bảo quản trà tại gia đình

Thông thường, việc bảo quản trà trong gia đình không cần khắt khe như với các nhà sản xuất. Với số lượng không quá lớn chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những điều kiện sẵn có để bảo quản trà đảm bảo theo nguyên tắc bảo quản trà nói chung.

Ưu tiên trước nhất vẫn là khuyến cáo của nhà sản xuất in trên bao bì sản phẩm, thường sẽ là: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.

Đồ đựng trà tại gia đình

Đồ đựng để bảo quản trà phải đáp ứng được 3 tiêu chí cơ bản đã phân tích: tránh ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp, có độ thoáng. Nhìn chung, đa số các sản phẩm trà đều được các nhà sản xuất đóng gói cẩn thận trong các loại túi, hộp đảm bảo chất lượng và tính thẩm mỹ cao. Trong trường hợp này, tốt nhất là tiếp tục bảo quản trà trong túi hoặc hộp đó, mỗi lần pha chỉ lấy ra lượng đủ dùng. Ngoài ra, ta cũng có thể lựa chọn các sản phẩm được đóng thành từng gói nhỏ 3 – 5g, vừa cho mỗi lần pha. Kiểu đóng gói này cho phép lưu trữ trà được lâu và tiện lợi cho người sử dụng.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp người chơi trà mua trà của các nhà sản xuất nhỏ lẻ, bao bì không đảm bảo hoặc mua với số lượng lớn thì sau khi mua về cần chuyển sang hoặc chia nhỏ vào các đồ đựng khác. Khi đó, ta cần lưu ý lựa chọn đồ đựng cho phù hợp:

  • Túi: Túi giấy tuy đẹp và tạo cảm giác thân thiện nhưng vẫn dễ hút ẩm. Kể cả loại có tráng lớp phủ bên trong cũng khó có thể đảm bảo tránh được ẩm. Tốt nhất hiện nay vẫn là các loại túi nilon tráng bạc, có thể khóa kín miệng túi sau mỗi lần mở. Không nên chọn loại túi ghép từ nhiều chất liệu, vì tuy đẹp, nhưng những chỗ ghép nối vẫn có nguy cơ hở, khiến hơi ẩm xâm nhập vào trà. Không nên sử dụng túi trong suốt vì không có tính cản sáng. 
  • Hũ sành, sứ: Các loại hũ sành, sức rất phù hợp với việc bảo quản trà vì tính khô thoáng, cản sáng và khả năng lưu hương. Cần lưu ý nhất là đảm bảo phần miệng hũ được kín. Trước khi cho trà vào hũ cần kiểm tra và khử mùi hũ thật kỹ. TTQ sẽ có một bài riêng về các loại trà cụ bằng gốm sứ, mời các bạn đón đọc.
  • Các loại hộp: Ngoài ra, các loại hộp thiếc, hộp gỗ, thủy tinh, nhựa cao cấp… cũng có thể được tận dụng để bảo quản trà. Với các loại hộp không chuyên dụng như vậy, tốt nhất ta nên đựng trà trong các loại túi nilon cản sáng, rồi đặt cả túi đó vào trong hộp đựng.
Hũ đựng trà bằng gốm

Vị trí bảo quản trà tại gia đình

Nên cất trà ở nơi cao ráo, sạch sẽ. Trà có khả năng hút ẩm hút mùi, vì vậy khi sử dụng trà trong nhà, nên để xa những nơi như bếp, những nơi có mùi. Có thể trên những kệ, giá, tủ, hoặc trong những thùng lớn cách ly với ánh sáng trực tiếp của mặt trời, nước, độ ẩm,…

Những khi thời tiết ẩm ướt nên sử dụng máy hút ẩm để giúp cho việc bảo quản trà dễ dàng hơn. 

Với một số loại trà đặc thù như trà ướp hoa, nhất là ướp xổi, có thể cân nhắc bảo quản trong tủ lạnh. Lưu ý để trong đồ đựng kín để tránh các mùi trong tủ lạnh nhiễm vào trà.

Tích trữ và bảo quản trà trong thời gian dài

Như chúng ta đã biết, các dòng trà có khả năng chuyển hóa thì càng để lâu dược tính càng mạnh. Những loại trà như thế cần được bảo quản trong thời gian rất dài, có thể lên đến 20, 30 năm. Và càng để lâu, trà ấy càng có giá trị.

Thường những loại trà như thế người ta hay đóng bánh để tiện cho việc bảo quản, vận chuyển. Vậy trà bánh lâu năm có đòi hỏi gì khác biệt đối với việc bảo quản hay không? 

Về cơ bản, chúng ta vẫn cần đảm bảo 3 yếu tố kể trên. Quan trọng nhất là cần lưu tâm để duy trì được 3 yếu tố đó trong thời gian rất dài mà thôi. Ở đây, TTQ xin đưa ra một số khuyến nghị để bạn đọc cùng tham khảo: 

  • Bọc bánh trà bằng giấy nến (loại chuyên dụng để gói trà) rồi bọc màng co vào bánh trà để tránh độ ẩm. Có thể không nhất thiết phải kết hợp bọc màng co, tuy nhiên, ở những nơi có độ ẩm cao như miền Bắc, miền Trung hoặc một số vùng núi Việt Nam thì đây là một biện pháp đảm bảo nhất ở thời điểm hiện tại.
  • Đặt toàn bộ bánh trà đã bọc gói vào chum. Rắc trà rời xung quanh và kín lên tận miệng để giúp hút ẩm và giữ hương. 
  • Nếu ko có điều kiện mua chum thì bọc màng co rồi đặt vào thùng nhựa tốt cũng không ảnh hưởng gì đến hương vị trà. 

Việc tích trà trong thời gian dài luôn đi kèm với rủi ro dù có cẩn thận đến mấy. Sau một thời gian dài bảo quản, nếu mở bánh trà ra mà thấy xuất hiện nấm thì ta cần cân nhắc. Nếu thấy nấm vàng, trắng chúng ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Nấm có các màu khác như đen, xanh, ghi thì nên bỏ đi vì đó là nấm độc.

Ngoài ra cũng có một số nhà sản xuất sử dụng cách ép bánh rất chặt. Khi đó, vì bị ép mạnh, lá trà sẽ tiết ra một lớp nhựa trà phủ bên ngoài, khiến bánh trà trở nên bóng, đẹp. Với cách ép này, nhà sản xuất có thể khuyến khích người dùng để bánh trà trong phòng như một đồ trưng bày hợp phong thủy, không cần bọc gói. 

Tóm lại, mỗi nhà sản xuất đều có khuyến cáo sử dụng riêng với người khách hàng. Do đó, khi mua trà ta luôn nên đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì, hoặc nếu có thể thì trao đổi trực tiếp với người bán để có chỉ dẫn cụ thể về các bảo quản trà.

Nội dung bài viết được chuyển thể từ podcast của “Nhẩn Nha Với Trà” được phát sóng hàng tuần trên Youtube, Spotify:

Youtubehttps://youtu.be/1G6GG9JYW-Y?si=H65NU0V9xV7kcKCl

Spotifyhttps://open.spotify.com/episode/1twBqRNdxO3ecRWr93cekN?si=7lUaXK2WS72WWshMXpa1Zw

Các bạn có thể tham gia đóng góp cho “Nhẩn Nha Với Trà” tại group: https://www.facebook.com/groups/nhannhavoitra/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.