“Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh” là những yếu tố cấu thành nên một buổi trà ý nghĩa mà cha ông ta đã đúc kết. Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ cùng bạn đọc về yếu tố thứ năm, ngũ quần anh. Mời các bạn tham khảo bài viết về bốn yếu tố trước tại đây:
- Nhất nước – Yếu tố nước trong pha trà
- Nhì trà – Uống trà gì vào thời điểm nào?
- Tam pha – Các bước pha trà cơ bản
- Tứ ấm – Dụng cụ pha trà cơ bản
Mục Lục
Quần anh là gì? Bao nhiêu người thì được coi là quần anh?
Nôm na, có thể hiểu “quần anh” là nhóm cùng thưởng trà. Nhóm đó có bao nhiêu người không quan trọng. Có khi là buổi tiệc trà lên đến 20 người. Có khi là cuộc độc ẩm, ta trò chuyện với chính ta thì cũng là “quần anh” vậy. Đặt trong bối cảnh văn hóa trà nói chung, ta cũng có thể hiểu rộng ra yếu tố này muốn nói đến không khí chung của cuộc trà. Không khí đó sẽ được quyết định bởi những người tham gia cuộc trà, đề tài trò chuyện…
Thành viên tham dự một cuộc trà có thể chia thành: trà chủ và trà khách tùy thuộc vào nơi họ uống trà là ở đâu và vai trò của họ trong cuộc trà đó là gì?
Trà chủ và trà khách khi uống trà
Trà chủ và vai trò của trà chủ
Trong một buổi uống trà, thành viên quan trọng nhất chính là trà chủ. Tùy hoàn cảnh, người trà chủ có thể cũng là người pha trà hoặc họ chỉ tiếp khách, việc pha trà đã có gia nhân. Nhưng dù ở trường hợp nào, người trà chủ luôn là người có vai trò lớn nhất trong việc định hình, quyết định không khí của cuộc trà.
Ở Trung Quốc, việc bàn thảo công việc quanh bàn trà không phải là hiếm. Các doanh nhân, chính trị gia,… thường có một phòng trà riêng để tiếp khách tại nhà hoặc cơ quan. Điều này cũng đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam. Khi tiếp khách tại phòng trà gia đình, đối với những người khách quý, chủ nhà sẽ tự tay chuẩn bị cũng như pha trà. Đây là một cách bày tỏ sự tôn trọng đối với người khách đó.
Trà chủ thường sẽ sử dụng một loại chén khác so với các chén của trà khách để phân rõ vai trò của chủ và khách. Khi rót trà, người trà chủ sẽ phải rót đều cho trà khách, phần còn lại sẽ rót vào chén của mình – có thể nhiều hơn hoặc ít hơn khách. Do vậy nên chén của trà chủ sẽ thường là chén lớn hơn chén của trà khách để không có sự so sánh.
Trà khách và một vài qui tắc bất thành văn trên bàn trà
Trên bàn trà có một số quy tắc hành xử bất thành văn. Từ cách bài trí, pha trà, mời trà, nâng chén, uống trà… đều có rất nhiều điểm cần lưu ý. Điều này đặc biệt quan trọng trong các buổi tiệc trà chính thức, trang trọng. Còn với các buổi trà thân mật thì thông thường người ta không quá câu nệ. Nhất là ở Việt Nam, với văn hóa uống trà thiên về sự chia sẻ, gần gũi. Tuy nhiên, thái độ khiêm nhường, tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau giữa trà chủ và trà khách thì luôn là đặc điểm chung nhất của các cuộc trà. Nắm bắt được tính chất của buổi trà sẽ giúp người tham gia hòa nhập tốt hơn và hiệu quả hơn với không khí cuộc trà đó.
Một vài qui tắc bất thành văn:
- Chủ trà khi có khách quý, có vị thế cao, họ sẽ chuẩn bị chén riêng để thể hiện vị trí của người khách đó. Những vị khách còn lại, chủ trà sẽ rót vào những chiếc chén giống nhau với lượng trà bằng nhau.
- Khi người chủ trà muốn dừng cuộc trà, người chủ trà sẽ đưa ra những thông điệp đối với người khách, có thể là ngừng pha trà tiếp hoặc có thể là trà nhạt rồi nhưng họ vẫn không thay trà mới.
- 1 trà sư người TQ quay chén 180 độ để ngụ ý mời khách ra về.
- Quay miệng, vòi tống về phía 1 ai đó, sẽ thể hiện sự không tôn trọng vị khách đó
- Người chủ trà tinh tế sẽ hẹn trước thời gian của buổi trà, đến khi hết giờ mọi người sẽ tự biết ý.
Trà khách thì nên để ý quan sát người trà chủ cũng như câu chuyện trên bàn trà để thể hiện sự tôn trọng với người trà chủ cũng như trà khách khác.
Tạo dựng thói quen uống trà tại nhà với các thành viên trong gia đình
Trong gia đình, thói quen quây quần quanh bàn trà vốn đã có từ lâu ở xã hội Việt Nam. Nhưng cũng không khó để quan sát thấy điều này đang dần biến mất. Thêm vào đó, thói quen uống lục trà (thường được quen miệng gọi là trà mạn) cũng khiến cho trẻ em, phụ nữ, những người nhạy cảm với tannin,… không hứng thú với việc ngồi xuống uống trà. Với sự đa dạng của các sản phẩm trà hiện nay, không khó để chúng ta lựa chọn các loại trà hấp dẫn hơn, phù hợp hơn với từng thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, các bạn nhỏ thường rất dễ làm quen và thấy sự hấp dẫn của các loại hồng trà và có thể kết hợp với sữa tạo thành món đồ uống thơm ngon, đảm bảo chất lượng. Những người trẻ tuổi cũng sẽ dễ mở lòng với các loại trà hương như oolong, trà ướp hoa,… Chỉ với một chút biến tấu, ta có thể kéo được các thành viên gia đình lại gần nhau hơn quanh một bàn trà quen thuộc và ấm cúng.
Kết
Như vậy, khác với bốn yếu tố trước, yếu tố thứ năm: “Ngũ quần anh” hoàn toàn mang tính chất tinh thần. Tuy là vô hình, nhưng nó lại có ảnh hưởng không hề nhỏ đến tâm thế của người thưởng trà. Nước tốt, trà ngon, pha đúng, ấm chén xịn mà bạn trà không có sự giao đãi hòa hợp thì chưa chắc người ta đã thưởng được hết hương vị của trà. Ngược lại, có thể điều kiện không quá đầy đủ, nhưng bạn trà tâm giao tâm thì cuộc trà ấy lại trở nên vô cùng đậm đà, khó quên. Dù trong bối cảnh nào, ngoài xã hội hay trong gia đình, nếu để ý và tinh tế một chút ở yếu tố “ngũ quần anh” này, ta sẽ thổi được hồn vào cuộc trà và nâng cuộc trà lên một tầm cao mới!
Nội dung bài viết được chuyển thể từ podcast của “Nhẩn Nha Với Trà” được phát sóng hàng tuần trên Youtube, Spotify:
Youtube: https://youtu.be/1G6GG9JYW-Y?si=H65NU0V9xV7kcKCl
Spotify: https://open.spotify.com/episode/1twBqRNdxO3ecRWr93cekN?si=7lUaXK2WS72WWshMXpa1Zw
Các bạn có thể tham gia đóng góp cho “Nhẩn Nha Với Trà” tại group: https://www.facebook.com/groups/nhannhavoitra/