Bàn đến chuyện uống trà không thể không nhắc đến dụng cụ pha trà. Trước hết, có thể thấy trà cụ đã đi một chặng đường rất dài, đồng hành cùng và phát triển cùng trà. Qua từng giai đoạn và ứng với từng cách thưởng trà, bộ dụng cụ pha trà cũng sẽ có sự khác biệt.
Ví dụ, thời xa xưa, người ta có thói quen đun trà, đương nhiên các dụng cụ sẽ rất khác. Sẽ phải có bếp lò, các dụng cụ như gắp than, dụng cụ nghiền trà…, có thể lên tới động cộng hơn 20 món trà cụ. Tới một thời điểm, khi cách thức phổ biến trở thành rót nước sôi vào để hãm trà thì trà cụ mới phát triển ổn định như hiện tại. Và điều này cũng mới chỉ tiếp diễn được vài thế kỷ. Trong bài viết này, TTQ sẽ tập trung giới thiệu sơ lược các dụng cụ cơ bản trong cách pha hãm trà phổ biến đương đại.
Mục Lục
Các dụng cụ pha trà cơ bản
1. Ấm pha trà
Từ khi phong trào uống trà ở Trung Quốc từ khoảng 1000 năm trước công nguyên, theo thời gian trà đã được lan ra Nhật, Hàn, Việt Nam và cả các nước trong khu vực Đông Nam Á thì hầu như là ở những quốc gia này đều có những xưởng sản xuất gốm sứ để phục vụ cho việc uống trà.
Ở các làng nghề gốm ở mỗi nơi thì đều có những nghệ nhân chuyên chế tác dụng cụ pha trà, nhưng chủ yếu là ấm, chén, khay, đựng trà. Những dụng cụ khác trên bàn trà thì chưa có nhiều.
Nếu đi các làng nghề Việt Nam thì sẽ thấy các mẫu mã, ấm chén chưa nhiều. Dù ở chợ làng gốm bát tràng cũng có đa dạng mẫu mã, tuy nhiên đa phần là hàng của Trung Quốc. Rõ ràng về độ đa dạng thì Việt Nam còn cần học tập nước bạn nhiều. Tuy nhiên về chất lượng sản phẩm thì Việt Nam lại được đánh giá cao hơn. Bởi Việt Nam có chất lượng đất rất tốt. Hiện nay trên thị trường không chỉ có ấm đất mà còn có ấm gốm sứ và ấm thủy tinh. Tùy vào từng loại trà ta có thể lựa chọn ấm theo hình dáng, kích thước, chất liệu cho phù hợp.
2. Tống pha trà
Đây là một công cụ rất quan trọng. Gần như mọi công đoạn pha trà đều cần đến trà cụ này. Tác dụng của tống trà có thể kể đến: hạ nhiệt độ của nước và đong lượng nước pha trà; chứa nước trà trước khi rót ra chén để hương vị được đồng đều; lắng bớt cặn trà khi không có lọc trà… Chất liệu của tống trà cũng tương tự như ấm, có thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đất, sứ, thủy tinh…
3. Kim khơi trà
Có tác dụng khơi bã trà sau khi pha để hạ nhiệt độ; gạt trà từ cung nhãn vào ấm trà,… Ngoài ra kim trà cũng giúp công đoạn vệ sinh ấm trà được dễ dàng hơn và triệt để hơn. Chất liệu của kim trà có thể làm từ kim loại, tre, gỗ,… Kiểu dáng cũng rất phong phú.
Lưu ý khi sử dụng kim trà bằng kim loại cần cẩn thận để tránh làm hỏng, xước, vỡ bình trà.
4. Cung nhãn
Cung nhãn trà thường được làm bằng tre, gỗ, kim loại,…, có hình dáng khum, na ná như mái ngói lợp ngày xưa.
Cung nhãn giúp ước lượng trà; lấy ra lượng trà phù hợp với số lượng khách khi có thêm hoặc thiếu khách; thậm chí khi lấy trà quá nhiều thì cung nhãn giúp cất trà lại vào dễ dàng. Trong một buổi thưởng trà, trà chủ thường đưa cung nhãn đựng trà cho trà khách truyền nhau thưởng lãm hình dáng, mùi của phẩm trà trước khi pha. Với những người sành trà, chỉ cần qua sự tiếp xúc ban đầu đó, họ đã có thể đoán định được nước trà pha ra sẽ có hương vị, màu sắc ra sao. Bước này ngoài việc thể hiện chất lượng phẩm trà, còn ngụ ý rằng tôi dùng trà chất lượng tốt, không bỏ thêm chất phụ nào khác.
Không nhất thiết phải dùng đến cung nhãn nếu như không tiếp khách. Tuy nhiên, ta có thể dùng đến nó nếu chỉ có một mình mà vẫn muốn “giao lưu” với trà, bởi nếu mở túi hay hộp trà ra thời gian quá lâu thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cả túi trà. Còn nếu để ra tay thì hơi ẩm hoặc mùi ở tay có thể ảnh hưởng đến chất lượng trà. Đối với các loại hoàng trà đóng bánh, ta có thể tách trà ra và để ở cung nhãn từ đêm hôm trước để trà được “thở”. Như vậy, hôm sau uống nước trà sẽ đầm hơn.
5. Xúc trà
Trà là sản phẩm hút ẩm và hút mùi rất tốt, vì thế, mỗi khi lấy trà ra khỏi đồ đựng, ta nên tránh bốc bằng tay. Vì thế mà dụng cụ xúc trà trở nên hữu ích. Nó có hình dạng khá giống thìa, cũng thường được làm từ tre, gỗ, kim loại. Dụng cụ này có các tác dụng: lấy trà ra khỏi đồ đựng; định lượng trà bỏ ra pha; thay cho cung nhãn nếu cần.
6. Kháo trà
Kháo trà được dùng để đựng nước tráng, nước thừa, nước bỏ, trà đã pha và bã trà. Nó giúp người pha trà được thuận tiện, không phải di chuyển nhiều và dọn rửa dễ dàng hơn. Các mẫu mã kháo trà cũng vô cùng phong phú và đẹp mắt. Người ta có thể mua kháo trà đi cùng một bộ ấm chén. Cũng có thể chọn độc lập hợp với sở thích cá nhân. Ngoài ra, hoàn toàn có thể tận dụng đồ dùng trong gia đình làm kháo trà như âu, liễn, bát to,…
Các dụng cụ pha trà khác
1. Gác nắp ấm
Khi pha trà, nên tránh để lưỡi nắp ấm chạm trực tiếp, úp xuống bàn, tránh gây mất vệ sinh. Gác nắp ấm giúp người pha ở chi tiết này. Hiện nay, gác nắp ấm vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, được giới trẻ ưa chuộng. Mẫu mã của dụng cụ này cũng cực kỳ phong phú, đẹp mắt,… Ngoài ra, nó còn có thể được sử dụng làm đồ chơi trên bàn trà với đa dạng các thiết kế như con tỳ hưu,… có thể hiện màu khi đổ nước sôi…
Trường hợp không có điều kiện, ta có thể tùy nghi tận dụng các đồ khác, ví dụ như úp một chiếc chén nhỏ làm gác nắp ấm. Hoặc đơn giản là gác nắp ấm nghiêng trên miệng ấm. Lưu ý khi tráng ấm chén trước khi pha, nên tráng luôn gác nắp ấm để giữ vệ sinh.
2. Ấm đun nước, bếp đun
Đun nước ngay tại bàn pha trà cũng dần trở lại, thành thú vui của nhiều người chơi trà. Ấm và bếp đun hiện nay rất phổ biến với các kích cỡ, mẫu mã hết sức đa dạng. Từ bếp đun than, nến, đến bếp điện tử… Ấm đun nước cũng có nhiều chất liệu: đồng, Tetsubin, thuỷ tinh, bạc. Đặc biệt ấm bạc còn được cho rằng có tác dụng khử độc
3. Dao tách trà
Đây là dụng cụ chuyên dụng để tách bánh trà trước khi pha. Lưu ý khi tách trà bánh thì nên tách ngang bánh trà trước khi tách nhỏ thành từng miếng để pha trà. Điều này sẽ giúp trà không bị gãy vụn cánh khi pha.
Một số lưu ý khi mua và sử dụng dụng cụ pha trà
Bàn trà cần được sắp xếp thật gọn gàng. Không nên để nhiều đồ lộn xộn trên bàn trà, tránh rối mắt, ảnh hưởng đến người uống và có thể làm rơi vỡ dụng cụ.
Nên lựa chọn trà cụ phù hợp với bản thân và sắm dần theo thời gian tương ứng với sở thích bản thân ở từng giai đoạn, hợp ví tiền. Như vậy sẽ giúp quá trình tìm hiểu trà được thú vị, nhẹ nhàng, đồng thời tránh mua quá nhiều trà cụ mà không sử dụng tới.
Khi bắt đầu thử uống trà nên sử dụng ấm thuỷ tinh hoặc ấm sứ. Khi đã sành hơn và xác định khẩu vị riêng mới nên tìm hiểu để sắm các loại ấm đất. Ngoài ra, không nhất thiết phải mua cả combo dụng cụ pha trà mà nên từ từ lựa từng trà cụ mà bản thân thấy phù hợp. Đây cũng là một cách tạo phong cách riêng cho bàn trà của mình.
Nội dung bài viết được chuyển thể từ podcast của “Nhẩn Nha Với Trà” được phát sóng hàng tuần trên Youtube, Spotify và SoundCloud:
Youtube: https://youtu.be/1G6GG9JYW-Y?si=H65NU0V9xV7kcKCl
Spotify: https://open.spotify.com/episode/1twBqRNdxO3ecRWr93cekN?si=7lUaXK2WS72WWshMXpa1Zw
Soundcloud: https://soundcloud.com/nhan-nha-voi-tra/tongquanvecaytrae01
Các bạn có thể tham gia đóng góp cho “Nhẩn Nha Với Trà” tại group: https://www.facebook.com/groups/nhannhavoitra/