Ở Việt Nam, có lẽ lối pha trà khô phổ biến nhất là rót nước sôi vào ấm, ngâm trà cho đến khi uống hết. Ấm được sử dụng thường có dung lượng tương đối lớn, khoảng 500ml – 800ml. Cách pha này có thể phù hợp với những người quen uống thức trà có vị chát đắng đậm đà. Tuy nhiên, pha như vậy thực ra lại có thể vô tình khiến cho một số phẩm chất của trà không bộc lộ được hương vị của trà mà nhiều khi còn làm hỏng hương vị trà. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu để bạn đọc tham khảo một số bước cơ bản khi pha trà khô. Phương pháp này phù hợp với đa số các phẩm trà hiện có trên thị trường. Chúng ta cũng có thể tùy chỉnh ở từng bước sao cho phù hợp với phẩm trà được lựa chọn cũng như sở thích, khẩu vị cá nhân.
Mục Lục
8 bước pha trà cơ bản
- B1: tráng ấm và kiểm tra ấm chén sạch hay không;
- B2: rót nước ra tống để căn lượng và hạ nhiệt độ của nước;
- B3: lấy trà từ hũ ra cung nhãn rồi cho trà vào ấm;
- B4: rót nước từ tống vào ấm;
- B5: ủ trà;
- B6: rót trà từ ấm ra tống;
- B7: mở nắp ấm khơi trà;
- B8: rót trà từ tống ra chén và thưởng thức
Bước 1: Tráng ấm chén
Đây là việc mọi người pha trà đều cần chú ý, trà là thức uống cần sự sạch sẽ thì mới đảm bảo được hương vị tốt nhất. Ta có thể quan niệm rằng cứ pha trà sẽ cần chuẩn bị ấm chén sạch sẽ.
Sau khi tráng cần kiểm tra thật kỹ xem ấm chén đã sạch chưa, có còn lưu hương của loại trà khác không hay có mùi gì lạ hay không. Ngoài ra, trong ấm có rất nhiều lỗ thông ở vòi ấm, không để ý kĩ thì có thể có một vài cọng trà cũ bị mắc lại, gây ảnh hưởng đến hương vị của trà.
Tráng nước nóng ngay trước khi pha trà sẽ giúp làm nóng ấm chén và các dụng cụ khác. Ngay sau khi tráng, những dụng cụ này sẽ giữ lại hơi nước ấm nhất định, khi cho trà vào trong ấm, trà sẽ hút ẩm và nhả hương, đó cũng sẽ là bước đánh thức trà. Một số người quan niệm đánh thức trà phải dùng nước sôi 100 độ C. Tuy nhiên cách làm này chỉ phù hợp với các loại oolong dạng viên, trà bánh, còn với các loại trà rời thì nó có thể khiến là trà bị bỏng, tổn thương.
Qui trình tráng ấm chén: rót nước sôi vào ấm, rót nước từ ấm ra tống, sau đó rót nước từ tống vào các chén và để như vậy để chén ấm nóng, đến bước ủ trà thì mới đổ nước từ các chén này ra kháo trà (dụng cụ đựng nước tráng trà, nước thừa).
Bước 2: Rót nước ra tống
Biết cách sử dụng nhiệt phù hợp là yếu tố khá quan trọng quyết định việc trà có bền nước hay không. Khi đó, có thể pha đến 7, 8, 9, 10 nước mà trà vẫn rất ngon.
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm căn nhiệt, người pha trà có thể sử dụng công cụ hạ nhiệt độ nước đơn giản là đổ nước ra tống. Ví dụ như mình pha 1 phẩm trà hương ở nhiệt độ 90 – 95 độ thì sẽ rất rủi ro vì khi ấy hương sẽ chết. Thêm vào đó, việc rót nước ra tống sẽ giúp chúng ta đong được lượng nước mình mong muốn.
Nhiệt độ chung dành cho các loại trà là khoảng 85 độ C. Đối với các loại trà hương thì nên sử dụng mức nhiệt thấp hơn ở nước 1,2 để thưởng hương sau đó tăng dần nhiệt lên để chiết được hết các nội chất trong búp trà. Đối với các loại bạch trà hoặc các loại trà lên men như Phổ Nhĩ, trà sống, Hoàng trà, Hồng trà hay olong thì có thể sử dụng nhiệt ở mức cao hơn, khoảng 90-95 độ. Khi đã quen với từng phẩm trà, người pha trà có thể pha ở nhiều mức nhiệt khác nhau. Tham khảo thêm về nhiệt độ nước pha trà TẠI ĐÂY.
Bước 3: Cho trà vào ấm
Cung nhãn đóng vai trò tương đối quan trọng khi pha trà tiếp khách. Trong một buổi trà lớn, việc đưa trà ra cung nhãn để mọi người cùng nhìn có thể chứng tỏ rằng loại trà mình đang sử dụng vô cùng thanh sạch. Với các nhà sư nổi tiếng, họ có thể nhìn những phẩm trà khô để đánh giá.
Ở những bối cảnh không quá trang trọng thì cung nhãn không mang vai trò quá lớn nhưng cũng là một cách tốt để người thưởng trà có cơ hội “giao lưu” với trà trước khi pha. Thẩm hương, quan sát hình dạng, màu sắc lá trà khô cũng sẽ giúp trà nhân hiểu trà sâu sắc hơn. Hơn nữa, người ta còn dùng cung nhãn để ước lượng lượng trà mong muốn, tránh trường hợp đong trà quá nhiều hoặc quá ít.
Sau khi cho trà vào ấm, nên lắc trà nhẹ nhàng để hơi ẩm tỏa đều hơn, giúp hương trà lên rõ rệt hơn.
Bước 4: Rót nước từ tống vào ấm
Với các loại ấm, nên rót sát miệng ấm và đưa dần lên cao rồi hạ thấp, tạo dòng nước cuộn giúp đảo các lá trà.
Với các loại khải, người pha trà sẽ dồn trà vào một bên, và rót nước vào bên không có trà. Như vậy, nước sẽ từ dưới đáy đi lên, giúp toàn bộ trà trong ấm được trộn lên. Mục đích cuối cùng đều là giúp cho các cánh, búp trà ở những vị trí khác nhau được tiếp xúc đều với nước và nhiệt độ ở các vị trí gần như là giống nhau.
Bước 5: Ủ trà
Tùy vào loại trà, phẩm trà, nhiệt độ nước mà người pha có thể lựa chọn ủ lâu hay mau. Nhiệt cao thì ủ nhanh, nhiệt thấp thì ủ lâu hơn một chút. Thời gian và nhiệt độ thông dụng có thể áp dụng cho đại đa số các loại trà là khoảng 1 phút rưỡi và 85 độ C.
Lựa chọn thời gian ủ trà cũng là một cách để người pha trà tìm được hương vị yêu thích của riêng mình.
Bước 6: Rót trà từ ấm ra tống
Rót trà ra tống trước khi rót ra chén sẽ đảm bảo độ đồng đều về hương vị ở tất cả các chén. Lưu ý nên rót kiệt nước ra khỏi ấm để tránh làm lá trà bị ngâm lâu trong nước dẫn đến chín trà, bị nồng.
Ngoài ra, khâu này cũng giúp đảm bảo độ thẩm mĩ cho nước trà. Bởi trà dù tốt đến mấy cũng vẫn có thể phát sinh vụn, ta có thể sử dụng dụng cụ lọc trà kết hợp với tống. Trường hợp không có lọc trà thì sau khi rót trà ra tống, nên đợi cho các vụn trà (nếu có) lắng xuống đáy rồi mới rót ra các chén. Nhiều loại trà có một lớp lông mao bọc quanh búp và lá non, lớp lông mao này rất thơm và giàu dinh dưỡng. Đôi khi sử dụng những lọc trà quá mịn sẽ làm mất đi lớp lông mao ấy. Do vậy, đối với những phẩm trà tốt thì ta có thể không dùng lọc trà, hoặc dùng loại lưới lọc không quá mịn.
Bước 7: Mở nắp ấm khơi trà
Dùng kim trà nhẹ nhàng đảo lá trà từ dưới lên. Bước này giúp làm hả nhiệt trong ấm, lá trà được làm nguội nhanh và đều. Cách làm này cho phép là trà được nghỉ ngơi, phục hồi, không bị chín. Nhờ đó, ta có thể pha được nhiều nước hơn và trà vẫn giữ được hương vị thơm ngon. Vào mùa đông, nếu trà vẫn còn ngon chưa uống hết ngày hôm nay, ta có thể bảo quản để ngày hôm sau uống tiếp.
Bước 8: Rót trà từ tống ra chén
Rót đều cho tất cả mọi người, người pha trà nên rót cho khách trước rồi mới rót cho mình. Đây là một kỹ thuật trong rót trà, nhưng lâu dần sẽ trở thành phản xạ.
Trên đây là một số bước cơ bản để pha một ấm trà theo phương pháp pha nóng. Ghi nhớ những bước này sẽ giúp người pha trà có được tinh thần và phong thái tự tin, thoải mái khi pha. Đồng thời, không có một công thức cứng nhắc nào trong chi tiết của từng bước, nên người pha trà cũng có thể tùy nghi thử nghiệm để khám phá những cung bậc hương vị của trà.
Một số điểm cơ bản cần nhớ khi pha trà
1. Tráng nước sôi và kiểm tra ấm chén trước khi pha trà.
2. Hạ nhiệt độ nước trước khi pha trà.
3. Mở nắp và khơi trà khi trà nguội, và giúp trà được nghỉ.
Nội dung bài viết được chuyển thể từ podcast của “Nhẩn Nha Với Trà” được phát sóng hàng tuần trên Youtube, Spotify và SoundCloud:
Youtube: https://www.youtube.com/@nhannhavoitra
Spotify: https://open.spotify.com/show/2VKmEezwhFFJEqSoHFOtOx?si=58c9f24df3104209
Soundcloud: https://soundcloud.com/nhan-nha-voi-tra
Các bạn có thể tham gia đóng góp cho “Nhẩn Nha Với Trà” tại group: https://www.facebook.com/groups/nhannhavoitra/