Chuyển tới nội dung

Tổng quan về cây trà Việt Nam

Việt Nam đã được công nhận là một trong những cái nôi của cây trà vì thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt phù hợp để cây trà sinh trưởng và phát triển. Cây trà được phân bổ dọc cả dải đất hình chữ S với có 34 tỉnh thành có cây trà. Dựa trên khu vực sinh trưởng và phát triển, cây trà Việt Nam chủ yếu được chia ra làm 2 loại chính:

  • Cây trà Shan tuyết: là giống trà sinh trưởng và phát triển ở khu vực núi cao. Từ Shan là phiên âm của chữ 山 – có nghĩa là sơn – núi cao. Vì sinh trưởng và phát triển ở độ cao trên 1000 m so với mực nước biển, điều kiện khí hậu lạnh và khắc nghiệt cho nên búp trà có một lớp lông mao để bảo vệ, tạo thành lớp tuyết trắng trong trà thành phẩm.
  • Cây trà trung du: là giống trà sinh trưởng và phát triển ở khu vực trung du miền núi, độ cao vừa phải, là cây trà trồng.

Cây trà trung du (trà trồng)

Đây là loại cây trồng công nghiệp rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Trà trung du chủ yếu phân bố ở các vùng có địa hình đồi (Thái Nguyên, Mộc Châu, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Hã Tĩnh, Huế, Lâm Đồng,…). Cây trà trung du lại có rất nhiều giống cây trà khác nhau, dựa trên cách thức tạo giống thì sẽ có hai loại chủ yếu: cây thuần chủng (gieo hạt) và cây lai tạo (chiết cành). Theo hiệp hội chè Việt Nam có khoảng 150 giống chè trung du (số liệu cũ – chưa cập nhật được con số năm 2024).

Trà trung du được trồng thành nông trường

Đặc điểm sinh trưởng và thổ nhưỡng của cây trà trung du:

  • Cây tương đối nhỏ, búp và lá cũng vậy, thường được trồng theo quy mô rộng như nông trại, vườn hoặc ruộng.
  • Cây thích hợp phát triển ở những vùng có địa hình thoai thoải, thoát nước, lý tưởng nhất là nơi có dòng nước chảy, bởi vì cây trà cần nước nhưng lại không chịu được úng.
  • Độ tuổi của cây thấp – thường là dưới 100 năm
  • Đa phần được trồng bằng phương pháp chiết cành, do đó cây có dạng rễ chùm, ăn khá nông. Những cây trà trung du trồng bằng hạt có rễ cọc và ăn sâu hơn vào đất và có tuổi thọ cao hơn so với cây chiết cành.

Thu hái trà trung du:

Việc thu hái thường là thu hái bằng tay, ở những nông trại lớn sẽ thu hái bằng máy. Ở những nơi hái bằng máy, đồi trà rất bằng, đều, rất đẹp mắt. Độ cao của cây thường được duy trì ở tầm ngang bụng. Thông thường, mỗi năm người nông dân sẽ đốn đau (cắt cành xuống sâu) một lần, thường là vào mùa đông khi khí hậu lạnh sâu. Việc đốn đau nhằm mục đích duy trì độ cao của cây trà để thuận tiện trong việc thu hái và đồng thời để tạo điều kiện cho cây bật mầm mới lên, cho nhiều búp, nhờ đó tối ưu hóa sản lượng thu hoạch

Tùy từng điều kiện và phương thức chăm sóc, cây trà trung du được thu hái từ 8 đến 12 vụ trong một năm. Thời gian chuẩn giữa các đợt thu hái trà là 45 ngày, đây là thời gian vừa đủ để cây trà phục hồi, cho chất lượng búp tốt. Ở những nơi sử dụng nhiều phân bón tốt, kích thích cây phát triển nhanh thì thời gian thu hái có thể là 30 – 35 ngày. Khoảng cách giữa các lần thu hái còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, ví dụ vào những đợt ngày nắng đêm mưa, vốn là dạng thời tiết thuận lợi, khoảng cách giữa hai lần thu hái có thể ngắn hơn. Người trồng sẽ quan sát toàn bộ vườn, khi búp lên đủ độ dài thì tiến hành thu hoạch. Nếu không kịp thu hái sẽ phải bỏ đi vì lá trà sẽ già, không phù hợp để đưa vào sản xuất.

Nhìn chung, trà trồng là loại cây cần nhiều công sức chăm sóc, phải đầu tư vào phân bón chăm sóc đất, cây… Để có một vụ trà tốt người nông dân sẽ phải bỏ ra khá nhiều công sức, tài nguyên. Ngoài ra, khó có thể tránh việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, bởi vì cây trà trung du được trồng theo kiểu độc canh, có thể phủ cả vài quả đồi, do đó một khi đã phát sinh sâu bệnh thì sẽ lan rất nhanh. Nếu không có biện pháp phòng và bảo vệ thì rất khó đảm bảo sản lượng.

Cây trà shan (trà rừng, trà shan tuyết)

Giống trà Shan tuyết và khu vực phân bổ

Tên khoa học của cây trà Shan là: Camellia sinensis var. assamica

Theo thông tin tìm hiểu từ Google: đây là cây gỗ thường xanh, cao 7 – 16m, gốc lớn có đường kính 1m, tán rộng 8m. Cây có có lá dài 7 – 16cm, rộng 2,8 – 5,5cm, có đầu nhọn dài thành đuôi; gân bên 9 – 13 đôi; cuống lá 0,4 – 1cm. Hoa 1 – 4; lá đài 5, mặt trong không lông; cánh hoa 7 – 9; nhị nhiều; bầu 3 – 5 lá noãn, vòi nhụy 3, rời ở đỉnh. Quả nang rộng 3 – 4cm. Phân bố ở Ấn Độ (vùng núi cao Atxam), Xri Lanca, Mianma, đến Nam Trung Quốc (Vân Nam, Quý Châu) và Bắc Việt Nam.

Cây trà shan phân bổ chủ yếu ở Tây Bắc và vùng núi phía Bắc nước ta. Theo quan sát, điều kiện độ cao so với mực nước biển khoảng 1.000m trở lên là đủ độ để cây trà shan phát triển tốt. Ở nước ta còn khá nhiều cây trà hoang dã, sinh trưởng và phát triển trong rừng sâu, không có sự can thiệp của con người. Ngoài ra còn có cây trà shan bán hoang dã, đây là những cây trà mọc gần khu người dân ở hơn mà người dân có điều kiện để chăm sóc cũng như thu hái. Hiện nay đã có một số vùng thực hiện trồng cây trà shan, mô hình này đang có xu hướng tăng lên để đảm bảo vùng nguyên liệu được mở rộng và phát triển trong tương lai.

Đây là cây trà tuy phát triển thành quần thể, nhưng thường không tập trung dày đặc giống như vùng trà chuyên canh (trà trung du) mà mật độ tương đối thưa, khoảng cách đủ lớn để cây có thể phát triển thành cây cổ thụ. Có những cây trà sống một mình, số khác có thể mọc thành một cụm cây, hoặc rải rác gần những mạch nước ngầm. Những cây trà cổ thụ lâu năm thường khá to, cao. Đường kính thân có thể lên đến 2m, độ cao lên đến vài chục mét. Do gần đây đã có chính sách phát triển cây trà shan cho Hà Giang, nên người dân được tiếp cận nhiều hơn với những cây trà như thế, còn cách đây khoảng 30 năm thì những cây trà ấy vẫn được gọi là trà hoang dã. Vì sinh trưởng và phát triển trong rừng, nên những cây trà shan thường sinh trưởng cùng nhiều loại cây cối khác, trong một hệ sinh thái tự nhiên, cân bằng và phong phú.

Cây trà Shan tuyết cổ thụ

Đặc điểm nổi bật của cây trà shan:

  • Lông mao của búp trà shan dày, rõ ràng hơn và rất mịn;
  • Do chủ yếu mọc từ hạt, cây trà shan thường có bộ rễ cọc rất to, cắm sâu vào lòng đất, có thể nhìn thấy rõ là rễ quấn và giữ đất rất chắc, do đó đây là loại cây có khả năng chống xói mòn rất tốt;
  • Nếu với cây trà trung du, sau khoảng 40 năm, người ta sẽ thay toàn bộ cây thì trà cây trà shan (cây trà cổ) lại tồn tại từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, tuổi thọ của cây có thể từ vài trăm năm tuổi đến cả 1000 tuổi.
  • Vụ thu hái của cây trà shan ít hơn của cây trà trung du. Một năm tối đa thu hái 4 lần, một số nơi thì người dân chỉ thu hái 2 lần. Do việc thu hái trà shan rất khó khăn, và tương đối nguy hiểm vì địa hình hiểm trở và thân cây cao. Thêm nữa, mùa hè đi vào rừng rất nguy hiểm, nên người dân thường không đi thu hái vào mùa này, nhất là với những cây trà ở sâu trong rừng. Do đó trà shan vào mùa hè thì được nghỉ ngơi, đến mùa thu thì mới khai thác.

Cây trà trung du chủ yếu được dùng làm trà xanh (lục trà), còn từ cây trà shan người ta có thể làm ra rất nhiều phẩm trà khác nhau (trà vàng, trà đen, hồng trà, bạch trà…) Nội chất của trà shan phong phú hơn nhiều so với trà trung du, nguyên nhân:

  • Nguyên nhân đầu tiên là do bộ rễ. Khi quan sát cây trà trung du thì thấy: thứ nhất, trà trung du được trồng từ cành, rễ lan, không thể ăn được quá sâu trong lòng đất, không lấy được nhiều dưỡng chất; thứ hai, trà trung du được chăm bón rất nhiều, và vì thế rễ sẽ không có động lực để đâm sâu, lượng chất đưa lên lá sẽ rất khác biệt.
  • Nguyên nhân thứ hai là do số lần thu hái trong năm. Cây trà shan có số lần thu hái ít hơn, tương ứng với việc nó có nhiều thời gian để phát triển hơn so với hái liên tục.
  • Nguyên nhân thứ ba là do điều kiện sống, cây trà shan sống trên những đỉnh núi cao, điều kiện tương đối khác nghiệt, sức sống phải rất mạnh mẽ mới tồn tại được, do đó mà sản sinh ra các lá và búp trà giàu dinh dưỡng.

Tổng kết

Ta có thể coi rằng về nguồn gốc, tất cả đều là cây trà. Khi ở vùng núi cao, nó sẽ thể hiện những đặc tính riêng, còn khi di thực xuống các vùng trung du, nó sẽ phải hoà vào điều kiện sống nơi đây. Bên cạnh đó, cùng với quá trình phát triển văn hóa, nông nghiệp, cây trà cũng được lai tạo và biến đổi sao cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, các chủng loại cây trà đang ngày càng trở nên phong phú. Việt Nam hiện nay đã tạo được 150 giống trà, nhưng chắc chắn đó vẫn chưa phải là con số cuối cùng.

Tổng kết lại cây trà Việt Nam được chia thành hai phân loại chính:

  • Cây trà trung du (trà trồng): thường có rễ chùm, tuổi thọ từ 40 đến 60 năm, thu hái từ 8 – 12 vụ trong một năm. Cây trà trung du nếu trồng từ hạt vẫn có rễ cọc.
  • Cây trà shan (trà rừng, trà shan tuyết): đa số mọc từ hạt, rễ cọc, tuổi thọ từ 200 năm đến 1000 tuổi, thu hái từ 2 đến 4 vụ trong 1 năm, phát triển tự nhiên trong rừng sâu.

Các cây trà sinh trưởng và phát triển ở các vùng thổ nhưỡng khác nhau sẽ tạo nên hương vị khác nhau và rất nhiều điều thú vị về thế giới trà.

Nội dung bài viết được chuyển thể từ podcast của “Nhẩn Nha Với Trà” được phát sóng hàng tuần trên Youtube, Spotify và SoundCloud:

Youtubehttps://youtu.be/1G6GG9JYW-Y?si=H65NU0V9xV7kcKCl

Spotify: https://open.spotify.com/episode/1twBqRNdxO3ecRWr93cekN?si=7lUaXK2WS72WWshMXpa1Zw

Soundcloud: https://soundcloud.com/nhan-nha-voi-tra/tongquanvecaytrae01

Các bạn có thể tham gia đóng góp cho “Nhẩn Nha Với Trà” tại group: https://www.facebook.com/groups/nhannhavoitra/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.